Trang thông tin điện tử

Xã Nghĩa Trung

Đảng ủy, HĐND, UBND,UBMTTQ Việt Nam phường đi thăm các trường học trên địa bàn phường nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Nghiêm, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi (1904 - 2024)

Học tập và noi gương đồng chí Nguyễn Nghiêm và các bậc tiền bối tiêu biểu, Đảng bộ Quảng Ngãi và cả hệ thống chính trị của tỉnh sẽ tiếp nối và phát huy truyền thống yêu nước, ý chí cách mạng của đồng chí, khơi dậy niềm tự hào, ý chí, khát vọng, niềm tin trong mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân; khơi dậy mọi tiềm năng, huy động mọi nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững; phấn đấu đưa Quảng Ngãi trở thành tỉnh phát triển khá của Vùng miền Trung vào năm 2025, tạo tiền đề đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá, có thu nhập bình quân đầu người ít nhất bằng mức bình quân của cả nước.

1. Cuộc đời, thân thế và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Nghiêm

Đồng chí Nguyễn Nghiêm tên thật là Nguyễn Thiện, bí danh là Mười Hòa, sinh năm 1904 trong một gia đình nhà nho hiếu học ở xã Phổ Phong, huyện Đức Phổ, (nay là thị xã Đức Phổ), tỉnh Quảng Ngãi. Thân sinh đồng chí Nguyễn Nghiêm là Tú tài Nguyễn Tuyên. Năm 1908, cụ Tú Tuyên tham gia phong trào Duy Tân, khất thuế, bị thực dân Pháp bắt, đày đi Côn Đảo. Năm 1917, cụ Tú Tuyên ra tù về quê, đồng chí Nguyễn Nghiêm phụ giúp cha dạy học và bốc thuốc chữa bệnh, giúp đỡ dân nghèo và  được cha truyền tư tưởng yêu nước. Nguyễn Nghiêm say sưa học tập, tìm các phong trào đấu tranh, các vấn đề xã hội và tình hình đất nước, từ đó càng khắc sâu lòng căm thù giặc Pháp và tay sai đã đẩy Nhân dân ta vào cảnh khốn cùng. Ý chí đánh đuổi thực dân Pháp cứu nước, cứu nhà cứ thế thấm dần trong máu thịt của Nguyễn Nghiêm, thôi thúc đồng chí tiếp bước con đường đấu tranh mà cha anh đã dũng cảm lựa chọn.

Đến năm 1924 khi vừa tròn 20 tuổi, đồng chí Nguyễn Nghiêm được tiếp xúc với cụ Trần Kỳ Phong và được nghe nhà cách mạng lão thành đề cập và ca ngợi chủ nghĩa cộng sản, nên đến năm 1925, đồng chí đã cùng với các ông: Lê Ngọc Thụy, Nguyễn Thiệu, Trần Kỳ Truyện lập Công Ái xã và bắt đầu tìm hiểu chủ nghĩa Mác- Lênin, truyền bá, giáo dục cho tầng lớp thanh niên những tư tưởng cách mạng mới, cùng nhau nghiên cứu những sách viết về mácxít bằng chữ Hán như: Mã Khắc Tư chủ nghĩa, Liệt Ninh chủ nghĩa, Thế giới sử... Về sau Công Ái xã giải thể, các thành viên tích cực trong đó có Nguyễn Nghiêm chuyển hướng hoạt động và gia nhập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên.

Cuối năm 1927, Tỉnh bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên thành lập, đồng chí được cử vào Ban Chấp hành, phụ trách huyện Đức Phổ.

Tháng 7 năm 1929, đồng chí Trương Quang Trọng, Bí thư Tỉnh bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên Quảng Ngãi đã tập hợp một số đồng chí tại núi Xương Rồng (huyện Đức Phổ) để thành lập tổ chức “Dự bị Cộng sản”, đồng chí Nguyễn Nghiêm được giao nhiệm vụ xúc tiến thành lập Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi.

Tháng 8 năm 1929, ông Trương Quang Trọng, ông Hồ Độ và một số yếu nhân của Tỉnh bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên Quảng Ngãi bị bắt. Đồng chí Nguyễn Nghiêm tiếp tục lãnh đạo các hội viên còn lại thực hiện chủ trương vô sản hoá, cử một số cán bộ liên hệ với các tổ chức cộng sản trong nước.

Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Ngay sau đó, đồng chí Nguyễn Nghiêm đã bắt liên lạc với Đảng và đến giữa tháng 3/1930, Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi được thành lập do Nguyễn Nghiêm làm Bí thư lâm thời. Sự ra đời của Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi là sự kiện chính trị đánh dấu bước chuyển biến rất cơ bản của phong trào cách mạng ở các địa phương trong tỉnh. Từ đây, cuộc đấu tranh của các tầng lớp Nhân dân lao động đều có sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của một tổ chức cách mạng tiên phong.

Ngay sau ngày thành lập, Tỉnh ủy lâm thời họp phiên đầu tiên tại nhà đồng chí Nguyễn Nghiêm, quyết định tiến hành phát động quần chúng đứng lên đấu tranh chống thực dân Pháp và tay sai trong cao trào cách mạng 1930 - 1931.

Tháng 6 năm 1930, tại Đại hội Đảng bộ lần thứ I, tiến hành tại làng Hùng Nghĩa, xã Phổ Phong, huyện Đức Phổ, đồng chí Nguyễn Nghiêm được cử làm Bí thư đầu tiên của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi.

Ngày 01/8/1930, Đảng bộ tổ chức rải truyền đơn, treo biểu ngữ ở nhiều nơi trong tỉnh, khiến kẻ địch hoang mang, ảnh hưởng của Đảng bộ bắt đầu lan rộng trong quần chúng.

Đêm 07/10/1930, Nguyễn Nghiêm trực tiếp lãnh đạo hàng nghìn người xuống đường biểu tình, mít tinh tấn công và làm chủ huyện đường Đức Phổ cho đến sáng hôm sau.

Ngày 13 tháng 10, Tỉnh ủy họp ở làng Nghĩa Lập (huyện Mộ Đức), chủ trương tiếp tục biểu tình công khai. Về tổ chức, Tỉnh ủy chia làm hai bộ phận: bộ phận phía Nam tính từ sông Trà Khúc trở vào do đồng chí Nguyễn Nghiêm lãnh đạo, phía Bắc tỉnh từ sông Trà Khúc trở ra do đồng chí Phan Thái Ất phụ trách. Đồng chí Nguyễn Nghiêm đi Quảng Nam tìm bắt liên lạc với Xứ ủy Trung Kỳ, xin chỉ thị về việc dấy lên cao trào mùa Xuân năm 1931. Khi về đến Bình Sơn, ông lọt vào tay địch nhưng trốn thoát được lên Trà Bình. Sau đó, theo ủy nhiệm của Xứ ủy, đồng chí vào Bình Định, Phú Yên để củng cố các tổ chức cơ sở Đảng.

Trong Chỉ thị về thành lập Hội Phản đế đồng minh của Thường vụ Trung ương Đảng ngày 18-11-1930 khi đánh giá về các cuộc đấu tranh ở Quảng Ngãi từ tháng 5 đến tháng 11 năm1930, Trung ương Đảng đã kết luận: "Rồi tới Quảng Ngãi, tuy phong trào chưa bằng Nghệ Tĩnh, nhưng nó vẫn là mạnh nhất trong phía nam Trung Kỳ".

Trước tình hình cách mạng tỉnh Quảng Ngãi dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Nghiêm đang dâng cao, nên địch bắt mẹ, vợ đồng chí Nguyễn Nghiêm và đốt nhà đồng chí Nguyễn Nghiêm, treo giải thưởng cho ai lấy được đầu ông và lùng sục bắt nhiều đồng chí Tỉnh ủy viên ở phía Nam tỉnh. Trước tình hình đó, đồng chí Nguyễn Nghiêm chuyển cơ quan Tỉnh ủy từ Tân Hội về Gò Huyện (huyện Mộ Đức) và lệnh cho các Đảng viên dự bị thoát ly.

Trước sự tàn ác của địch, Tỉnh ủy phát động “3 ngày căm thù” (16,17,18/02/1931), nên làn sóng đấu tranh cách mạng trong toàn tỉnh vùng lên mạnh mẽ. Địch ra sức khủng bố, truy lùng, nên đồng chí Nguyễn Nghiêm phải cải trang dời về Sông Vệ, sau đó về làng An Đại (huyện Tư Nghĩa). Trên đường đi nắm tình hình, đồng chí Nguyễn Nghiêm bị địch bắt tại cấm Giám Tộ, làng Nhu Năng Tây (nay là xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa) vào đêm 18/1 năm Tân Mùi (06/3/1931).

Trong lao tù, đồng chí Nguyễn Nghiêm đã giữ vững ý chí cách mạng. Mặc cho thực dân Pháp và Tuần vũ Nguyễn Bá Trác lôi kéo, dụ dỗ, tra tấn, đồng chí vẫn giữ tròn khí tiết, tìm cách móc nối với phong trào, xây dựng Chi bộ Đảng trong tù. Không lay chuyển được ý chí của người Cộng sản trung kiên, địch đem Nguyễn Nghiêm ra xử chém tại bãi sông Trà Khúc vào 3 giờ sáng 23/4/1931.

Trước lúc hy sinh, đồng chí đã cảm tác thành thơ để động viên đồng chí, đồng bào giữ vững tinh thần, chí khí cách mạng, tiếp tục đấu tranh, tin tưởng vào ngày mai tất thắng của cách mạng:

“ Noi gương kẻ trước thờ non nước

Tiếp chí người sau rửa hận thù

Lá cờ giai cấp bền tay phất

Lưỡi kiếm anh hùng cố điểm tô

Rồi đây bão táp vùi thây giặc

Việt Nam độc lập đẹp muôn thu”

Đồng chí mất đi để lại niềm thương tiếc và cảm phục của đồng bào, đồng chí trong tỉnh. Thương tiếc đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên, Tỉnh ủy tổ chức lễ truy điệu, để tang và phát động tuần lễ căm thù địch từ ngày 25 đến ngày 30-4-1931, kết hợp với biểu dương khí thế cách mạng kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1-5. Điếu văn trong lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Nghiêm được phổ biến rộng rãi trong quần chúng.

Đồng chí Nguyễn Nghiêm, Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Đảng bộ tỉnh đã anh dung hy sinh tất cả vì sự nghiệp cách mạng, đem hết tài sản, cơ nghiệp góp cho cách mạng. Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng của mình, đồng chí luôn kiên định, một lòng tin tưởng vào Đảng và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Trong buổi đầu cách mạng còn muôn vàn khó khăn, nhưng với tài năng của mình, đồng chí đã đi khắp các địa phương trong tỉnh để tuyên truyền, vận động đấu tranh chống địch, gầy dựng cơ sở, phát triển tổ chức và đảng viên, bồi dưỡng, gây dựng đội ngũ cán bộ cốt cán cho phong trào cách mạng tỉnh nhà, chỉ đạo thống nhất và thành lập Đảng bộ tỉnh- một tổ chức cách mạng tiên phong. Hơn nữa, đồng chí còn vào Nam ra Bắc để kết nối liên lạc với các tỉnh bạn và giúp đỡ phong trào cách mạng ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên. Đây là tiền đề, nền tảng cực kỳ quan trọng, là ngọn lửa soi đường cho các cao trào cách mạng, giải phóng quê hương, thống nhất đất nước về sau.

Ghi nhận những công lao to lớn đồng chí Nguyễn Nghiêm trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, Đảng, Nhà nước và quân đội ta đã xây dựng Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Nghiêm tại quê nhà ở làng Tân Hội, xã Phổ Phong, huyện Đức Phổ (nay là thị xã Đức Phổ). Đây cũng chính là địa điểm thành lập Đảng bộ lâm thời tỉnh Quảng Ngãi vào tháng 3 năm 1930 và đã được công nhận là Di tích lịch sử - cách mạng. Hiện nay, một số trường học, đường phố trên địa bàn tỉnh được mang tên đồng chí Nguyễn Nghiêm. 

2. Phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng phát triển

Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã trải qua XX nhiệm kỳ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh và đạt được những kết quả quan trọng. Kinh tế ổn định ngày càng phát triển. Văn hóa, xã hội có bước phát triển mới, an sinh xã hội được bảo đảm. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tập trung thực hiện toàn diện trên tất cả các mặt. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng được tăng cường, góp phần tích cực vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Công tác dân vận, hoạt động của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục được đổi mới và nâng cao chất lượng. Đời sống người dân được cải thiện và nâng cao rõ rệt về mức sống và chất lượng cuộc sống ngày càng tốt hơn...

Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi luôn ý thức sâu sắc rằng có được những thành quả như ngày hôm nay là có sự hy sinh xương máu và công sức to lớn của các bậc lão thành cách mạng, các thế hệ cha anh đi trước, trong đó có đồng chí Nguyễn Nghiêm. Những thành quả cách mạng trong suốt chiều dài đấu tranh giải phóng quê hương, xây dựng và phát triển tỉnh nhà sau ngày giải phóng đến nay là tiền đề, tài sản to lớn cho các thế hệ chúng ta hôm nay tiếp nối, tiếp tục giữ gìn, phát triển, phát huy để xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, Nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XX đề ra trong thời gian đến. Với ý chí quyết tâm, sự đồng lòng, trách nhiệm, Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh, UBND tỉnh nhận thức mọi chủ trương, chính sách của tỉnh được ban hành phải xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân; Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới; lấy hạnh phúc, ấm no của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu (như con đường, mục tiêu mà Đảng ta đặt ra cho cách mạng Việt Nam từ khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đến nay).

 Học tập và noi gương đồng chí Nguyễn Nghiêm và các bậc tiền bối tiêu biểu, Đảng bộ Quảng Ngãi và cả hệ thống chính trị của tỉnh sẽ tiếp nối và phát huy truyền thống yêu nước, ý chí cách mạng của đồng chí, khơi dậy niềm tự hào, ý chí, khát vọng, niềm tin trong mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân; khơi dậy mọi tiềm năng, huy động mọi nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững; phấn đấu đưa Quảng Ngãi trở thành tỉnh phát triển khá của Vùng miền Trung vào năm 2025, tạo tiền đề đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá, có thu nhập bình quân đầu người ít nhất bằng mức bình quân của cả nước.

Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Nghiêm là dịp để ôn lại cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và công lao to lớn của đồng chí, Đảng bộ và Nhân dân Quảng Ngãi càng thêm tự hào là nơi đã sinh ra người con ưu tú của Đảng. Đồng chí là tấm gương sáng để Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân và thế hệ trẻ tỉnh nhà noi theo, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu vươn lên xây dựng quê hương giàu đẹp.


Tác giả: Lê Thị Thanh Điểm
Nguồn:Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sao chép liên kết

Thông tin cần biết

noData
Không có dữ liệu

Tin tức - Sự kiện

Thông tin tiện ích

Thống kê truy cập

Đang online: 1
Hôm nay: 6
Hôm qua: 29
Năm 2025: 15.970
Tất cả: 15.972